Ở Sông Mã, mỗi Dự án Cội Rễ đều có một codename riêng của mình: CR và số thứ tự của Dự án đó. Ví dụ CR01 là Dự án Thư viện Cội Rễ có mục đích: Cổ vũ Văn hoá đọc bằng việc xây dựng thư viện, phòng đọc và các hoạt động khuyến khích việc đọc sách. CR04 là Dự án trồng cỏ Vetiver để ngăn ngừa và giảm thiểu thiên tai. Trước CR04 có CR03 là Cổ vũ và khuyến khích Tinh thần Nghệ nhận trong Thổ cẩm ở La Pán Tẩn nhưng hiện đã được dừng lại.

CR chính là viết tắt của từ Cội Rễ. Xuyên suốt các Dự án được lập nên ở Sông Mã đều mang trong mình một Tinh thần đó là Tinh thần Cội Rễ. Tinh thần Cội Rễ bao gồm: Văn hoá, Ngôn ngữ và Tri thức bản địa. Đó là những thứ cần được hiểu biết và tôn trọng của một cộng đồng địa phương khi Sông Mã có những hành động được triển khai ở cộng đồng đó.

Với Sông Mã, tình nguyện đơn giản là giúp người, nhưng chính vi giúp người mà chúng tôi không bao giờ cho phép mình hời hợt, luôn trăn trở về những nơi mình đã đi qua, những việc mà mình đã làm.

Trong hành trình 10 năm đầu tiên của mình, chúng tôi đã đi với niềm tin “Đi để sẻ chia, đi để cống hiến, đi để khẳng định, và đi để trưởng thành”, mang theo màu áo xanh, lòng nhiệt thành tuổi trẻ đến thật nhiều nơi, làm những việc mình cho đó là có ích, là tốt đẹp. Nhưng sau tất cả, những điều mà chúng tôi làm thật không giúp được gì cho những người dân, em nhỏ nơi đó, có chẳng chỉ là những sự giúp đỡ ngắn hạn, để khi chúng tôi đi, người dân nơi đó vẫn sẽ nghèo, sẽ khổ, sẽ lại trông chờ vào những đoàn Tình nguyện khác. Chúng tôi đã nhận được nhiều hơn những gì chúng tôi mang đến cho người dân nơi đó, và thật đáng giận là chúng tôi đã để lại những nỗi buồn trong lòng bọn trẻ, nỗi buồn, nỗi nhớ dành cho thầy cô áo xanh, những người đã đến và cũng đi thật nhanh trong những ngày hè của chúng.

Mùa hè năm ấy, có một cậu bé người H’Mong tên Chinh. Nó ở cùng chúng tôi suốt 10 ngày ở điểm trường Trống Páo Sang, La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Yên Bái. Cậu bé hồn nhiên và hoang dại như cây cỏ vậy. Nó cứ lăn lộn từ chỗ này qua chỗ khác, lấy bao tải dứa làm áo siêu nhân, quần áo suốt 10 ngày chẳng buồn thay, cũng chẳng cần về nhà xem bố mẹ có lo hay không. Buồn ngủ thì lăn ra ngủ, ngủ dậy thì lại chạy chơi. Mà năng nổ lắm, ai nhờ gì cũng làm cả. Còn rất phong trần nữa. Chuyện gì nó cũng nói cộc lốc: “Không sao đâu!” thi thoảng còn chêm thêm câu: “Chết thì thôi mà!” Khi chúng tôi về Hà Nội, nó cầm đầu mấy đứa nhỏ khác, đi bộ 30km về phía Hà Nội theo thầy cô áo xanh. Nó nghĩ Hà Nội cũng chẳng xa lắm đâu, “đi bộ 5 ngày là đến thôi mà”. Đấy là phần chuyện mà mãi sau này chúng tôi mới được biết.

 Chinh

Với chúng tôi, cậu bé Chinh của mùa hè xanh năm ấy là đại diện cho rất nhiều những đứa trẻ H’Mông ở những vùng đất mà Sông Mã từng có duyên gặp gỡ. Chúng giản dị, chân thành, chất phác nhưng mạnh mẽ, tự do, phóng khoáng và phần nào đó thật quyết liệt. Cứ nhìn chúng nó chạy băng băng trên những con dốc, nhảy qua khe suối, sà vào những lùm cây bên đường hay lăn ra bãi cỏ bất cứ lúc nào chúng thích, chúng tôi hiểu rằng, đó nên là cách mà một đứa trẻ H’Mong hay có thể là bất cứ đứa trẻ nào lớn lên.

Với chúng tôi, cậu bé Chinh của mùa hè xanh năm ấy là đại diện cho rất nhiều những đứa trẻ H’Mông ở những vùng đất mà Sông Mã từng có duyên gặp gỡ. Chúng giản dị, chân thành, chất phác nhưng mạnh mẽ, tự do, phóng khoáng và phần nào đó thật quyết liệt. Cứ nhìn chúng nó chạy băng băng trên những con dốc, nhảy qua khe suối, sà vào những lùm cây bên đường hay lăn ra bãi cỏ bất cứ lúc nào chúng thích, chúng tôi hiểu rằng, đó nên là cách mà một đứa trẻ H’Mong hay có thể là bất cứ đứa trẻ nào lớn lên.

Sau tất cả, Sông Mã quyết định không tiếp tục “cho đi” những cái áo, không tặng những bao gạo, không tổ chức những buổi khám bệnh với gói thuốc Tây con con phát đến từng gia đình nữa. Chúng tôi cũng không dạy học với những kiến thức Tiếng Việt hay Toán cho những đứa trẻ tự do trong những ngày hè tự do như vậy nữa. Chúng tôi cũng không “du canh du cư” mỗi năm làm ở một nơi mà sẽ chọn một điểm dừng thật lâu cho mình. Chúng tôi muốn cùng với những đứa trẻ đó trưởng thành, không phải lớn lên đầy nhút nhát và tự ti vì mình là “dân tộc thiểu số, lạc hậu” mà vẫn thật tự do, mạnh mẽ và phòng khoáng như đã từng là vậy. Và chúng tôi không muốn để lại thêm bất cứ nỗi buồn nào cho bọn trẻ nữa.

Và rồi, đến cuối năm 2017, Đội Thanh niên Tình nguyện Sông Mã đã chuyển hướng hoạt động từ tư duy “mỗi năm lại tổ chức các chiến dịch ở các điạ điểm khác nhau” sang tư duy “sẽ gắn bó ở một nơi trong thời gian dài” để thấu hiểu và có những hành động phù hợp với nơi đó. Các hành động đó được cụ thể bằng các Dự án được triển khai, tập trung vào một lĩnh vực hay một vấn đề nhất định, có tính chất lâu dài, có sự nghiên cứu, quan sát tỉ mỉ. Sông Mã tự nhủ, trong tương lai sẽ có những Dự án khác được hình thành nhưng chúng cần phải dựa trên năng lực, tầm nhìn, hiểu biết của Sông Mã về vùng đất mà mình đang gắn bó để có thể thực hiện đúng gốc rễ, chăm chút, tỉ mỉ và tử tế.

Làm nhỏ thôi nhưng đều đặn và bình dị, vững vàng như tâm hồn Sông Mã vậy..